Trình độ giáo viên tiếng Anh ở Hà Giang thuộc loại thấp nhất cả nước
Trình độ giáo viên tiếng Anh ở Hà Giang thuộc loại thấp nhất cả nước
Theo Bộ GD&ĐT, những vùng khó khăn như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Quảng Nam có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năng lực tiếng Anh thuộc loại thấp nhất cả nước.
Năm học 2018-2019, công tác bồi dưỡng năng lực tiếng Anh và năng lực sư phạm cho giáo viên dạy môn học này ở phổ thông tiếp tục được ngành giáo dục cả nước triển khai.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2018-2019 cả nước có 70% giáo viên tiếng Anh các cấp phổ thông đạt chuẩn năng lực theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tăng 1% so với năm học 2017-2018.
Cả nước có 70% giáo viên tiếng Anh các cấp phổ thông đạt chuẩn năng lực. Ảnh minh họa: Q.T.
Cụ thể, cấp tiểu học có 69% giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn, cấp THCS có 72%, cấp THPT có 61%. Hơn 7.000 lượt giáo viên tiếng Anh được bồi dưỡng về năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm trong năm qua. Việc xây dựng khung năng lực giáo viên ngoại ngữ, bộ tiêu chí đánh giá các đơn vị tổ chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, các hệ thống trực tuyến bồi dưỡng giáo viên về năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm được hoàn thành.
Ngành giáo dục đã hoàn thiện chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, ban hành chương trình môn Tiếng Anh lớp 1-2, môn Tiếng Đức, Nhật, Hàn, Pháp theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đến nay, cả nước có 43/63 địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh. 63 địa phương đã triển khai các chương trình ngoại ngữ mới, nổi bật là TP.HCM, Hà Nội, Bắc Giang… Tổng số học sinh phổ thông cả nước theo học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm năm học 2018-2019 là 38%, tăng 2% so với năm học trước.
Ở trình độ đại học, các cơ sở giáo dục đã tiếp tục hoàn thiện, triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra về ngành, nghề đào tạo góp phần hỗ trợ sinh viên học và sử dụng ngoại ngữ đảm bảo yêu cầu, chất lượng chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ khi tốt nghiệp.
Bộ GD&ĐT cũng đã thẩm định và công nhận 8 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi đánh giá năng lực Tiếng Anh trong năm vừa qua. Nhiều thỏa thuận hợp tác về nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam đã được Bộ GD&ĐT ký kết với nhiều tổ chức quốc tế uy tín.
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác dạy và học tiếng Anh vẫn tồn tại một số hạn chế. Điển hình là việc nâng cao chất lượng và số lượng giáo viên đạt chuẩn tại các địa phương còn khó khăn, đặc biệt là những tỉnh vùng khó khăn như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Thuận, Quảng Nam. Đây đều là những địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năng lực tiếng Anh thuộc loại thấp nhất cả nước.
Nguyên nhân là một số giải pháp dạy và học ngoại ngữ chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện đặc thù của các vùng miền, địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo. Công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ dù đã được rà soát, kiểm soát nhưng vẫn có trung tâm ngoại ngữ mắc sai phạm, cơ sở tổ chức thi kém chất lượng.
Năm học 2018-2019, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là môn Tiếng Anh ở các cấp học, trình độ đào tạo.
Trong đó, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành và triển khai các chương trình, sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu, học liệu ngoại ngữ; khuyến khích triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở các địa phương có nhu cầu và đủ điều kiện thực hiện. Việc phát triển, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên phổ thông được đặc biệt chú trọng.
Các hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên theo chuẩn đầu ra và ngay trong quá trình theo kết quả từng giai đoạn giáo dục đào tạo sẽ từng bước được đổi mới.
Những điều kiện dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, ưu tiên bổ sung các trang thiết bị thiết yếu đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cũng được ngành giáo dục chú trọng tăng cường để đảm bảo thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng dạy học bộ môn này.